Hiện nay, tình hình thời tiết nắng nóng diễn biến bất thường, nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Toàn bộ những cánh rừng trên địa bàn xã đều cảnh báo cháy cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.
Một trong những nguy cơ dẫn đến cháy rừng là do người dân bất cẩn, chủ quan trong công tác đốt, dọn thực bì hay đốt lửa khi đi dã ngoại, ném tàn thuốc tại khu vực rừng, dọn đốt khu vực ven rừng, nên việc nâng cao ý thức cho người dân trong công tác phòng chống cháy rừng luôn được quan tâm, chú trọng...
Để chủ động trong việc thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, và phòng cháy, chữa cháy rừng, đối phó với tình hình thời tiết nắng hạn khắc nghiệt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra và tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Theo đó đối với chủ rừng cần chú ý những vấn đề sau:
Phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về BVR – PCCCR, không được đốt xử lý thực bì, không được sử dụng lửa trong rừng trong thời gian cao điểm khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Giám sát chặt chẽ việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng; tuyệt đối nghiêm cấm việc sử dụng lửa trong rừng, đốt, dọn rẫy ven rừng khi chưa đảm bảo các biện pháp an toàn về phòng chống lửa rừng;
Không được chặt phá, lấn chiếm đất rừng của dự án và các chủ rừng khác.
Thường xuyên chủ động tổ chức kiểm tra các diện tích rừng của mình quản lý, kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại đến rừng, gây cháy rừng để ngăn chặn kịp thời.
Khi mua bán vận chuyển lâm sản ra khỏi rừng và xử lý thực bì sau khai thác phải có đơn báo cáo và phải có sự cho phép của cơ quan chức năng mới được thực hiện.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”, “5 sẵn sàng”; chuẩn bị lực lượng, dụng cụ, phương tiện tại chỗ sẵn sàng chữa cháy rừng; tổ chức trực PCCCR 24/24 giờ, tạm dừng việc xử lý thực bì bằng lửa trong những ngày nắng nóng cao điểm dễ xảy ra cháy rừng...
Việc chủ động, triển khai các biện pháp PCCCR hợp lý, đều khắp, cụ thể và cấp bách sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra. Tuy nhiên, về lâu dài, công tác PCCCR chỉ thực sự có hiệu quả khi mọi người dân coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Có như vậy “lá phổi xanh” mới được bảo vệ và phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của chính chúng ta./.