Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, xuất hiện từ khi có sự phân chia quyền lực, hình thành Nhà nước và lòng tham của con người. Tham nhũng làm chậm sự phát triển kinh tế của đất nước, làm tha hóa quyền lực nhà nước, hủy hoại các chuẩn mực đạo đức xã hội, giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, gây mất ổn định chính trị của đất nước. Trong những năm qua, tình trạng tham nhũng ở Việt Nam diễn ra ngày càng phổ biến, gia tăng và diễn biến phức tạp. Có những hành vi tham nhũng trở thành tội phạm gây thiệt hại cho nhà nước hàng ngàn tỷ đồng ví dụ như vụ tham nhũng của Vinashin, Vinaline, vụ PMU18,..; có hành vi tham nhũng ở mức độ, phạm vi hẹp hơn như nhũng nhiễu trong giải quyết công vụ để vụ lợi. Dù hành vi tham nhũng ở mức độ nào thì cũng gây tác hại nhất định đối với chính trị, kinh tế, xã hội, tạo bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, việc phòng, chống tham nhũng là hoàn toàn cần thiết và cấp bách hiện nay.
Tham nhũng xuất hiện do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân do các TTHC rườm rà, phức tạp, không rõ ràng tạo điều kiện thuận lợi cho một số cán bộ, công chức nhũng nhiễu, vòi vĩnh tiền, tài sản của cá nhân, tổ chức khi giải quyết TTHC; cộng thêm cơ chế kiểm tra, thanh tra, kiểm soát hoạt động hiệu quả thấp, việc xử lý người vi phạm chưa nghiêm, dẫn đến tham nhũng vẫn đang tồn tại hàng ngày, hàng giờ, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để phòng, chống tham nhũng, chúng ta cần phải thực hiện kết hợp nhiều biện pháp, bao gồm các biện pháp kinh tế, biện pháp chính trị tư tưởng, biện pháp hành chính, biện pháp văn hóa xã hội giáo dục, biện pháp tổ chức nhà nước và cải cách hành chính (trong đó có cải cách TTHC) là một trong các biện pháp hành chính được ghi nhận trong Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2012). Cụ thể Điều 56 của Luật quy định: “Cải cách hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng. Nhà nước thực hiện cải cách hành chính nhằm tăng cường tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh việc phân cấp quản lý nhà nước giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước; công khai, đơn giản hoá và hoàn thiện thủ tục hành chính; quy định cụ thể trách nhiệm của từng chức danh trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”.
Theo đó, cải cách TTHC là một trong các biện pháp góp phần phòng, chống tham nhũng, cụ thể được thể hiện ở những khía cạnh sau:
+ Thứ nhất: kiểm soát các quy định TTHC ngay từ khâu dự thảo
+ Thứ hai: công khai, minh bạch TTHC
+ Thứ ba: đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết TTHC
+ Thứ tư: rà soát, đánh giá, đơn giản hóa TTHC, đề xuất sáng kiến cải cách TTHC
+ Thứ năm: tiếp nhận, xử lý phản án kiến nghị về quy định hành chính:
Tóm lại, cải cách hành chính, trong đó cải cách TTHC là trọng tâm, luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm thực hiện. Cải cách TTHC nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch của TTHC, từ đó tạo sự thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận, tham gia giám sát và thực hiện TTHC; tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từ đó, góp phần phòng, chống tham nhũng và lãng phí một cách hiệu quả, thiết thực.
Nguồn: Bộ Tư pháp