Trà Kiệu, vùng đất thiêng, kinh đô vương quốc Chămpa một thời vang bóng, Làng Trà Kiệu hình thành cách đây khoảng 553 năm (1471-2024) kể từ thời 13 vị Thủy tổ Tiền hiền rời vùng đất Thanh - Nghệ - Tĩnh và những nơi khác ở phía Bắc theo minh quân Lê Thánh Tông mang gươm đi diệt giặc mở nước và lần lượt chọn vùng đất này để lập lên làng Trà Kiệu xã. Đây từng là đơn vị đứng đầu của “Quảng Nam tam đại xã”. Để tưởng niệm công đức cao quý của các vị tiền hiền, thuỷ tổ vào triều vua Hy Tông niên hiệu Chánh Hòa (1680), các vị cao niên trong các chư tộc phái đã xây dựng ngôi nhà thờ tiền hiền ngũ xã Trà Kiệu.
Dòng chảy thời gian càng làm tăng thêm bề dày của Trà Kiệu về mọi mặt cả đường văn, đường võ và bách nghệ trăm vùng. Trên bình diện bảo quốc an dân thì sự đóng góp của Trà Kiệu là không nhỏ, nếu ngày xưa đất Ngũ xã có Thống thủ Mạc Cảnh Huống xông pha trận mạc, văn - võ song toàn, phò các chúa Nguyễn mở đất; thì vào những năm 1930 của thế kỷ XX, có những bậc cách mạng tiền bối xả thân vì nước, hi sinh cả cuộc đời mình cho cách mạng, cho đất nước và nhân dân. Từ hàng trăm năm nay, mặc dù địa giới phân chia, nhưng tấm lòng người dân Ngũ xã vẫn như một. Nhà thờ Tiền hiền Ngũ xã được coi là ngôi nhà chung, các vị Tiền hiền - Thủy tổ đã có công dựng nước và giữ nước, xây dựng lên làng Trà Kiệu. Với ý nghĩa to lớn đó, Nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu tọa lạc tại thôn Trà Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số: 68/QĐ-BVHTT, năm 2005 của Bộ Văn hóa - Thông tin.
Hằng năm, vào dịp lễ, tết các thế hệ con cháu Ngũ xã đều hội tụ về nơi đây để cúng tế, dâng hương tưởng niệm công đức tổ tiên.
Qua đề xuất của Hội đồng Chư tộc Ngũ xã Trà Kiệu; được sự thống nhất của Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam; thực hiện Công văn số 501/UBND-VHTT ngày 26/3/2024 của UBND huyện Duy Xuyên về việc thống nhất chủ trương tổ chức toạ đàm, nhằm chuẩn bị cho xuất bản ấn phẩm “Đất và Người Ngũ xã Trà Kiệu”, hôm nay, được sự uỷ quyền của UBND huyện Duy Xuyên, Phòng VH-TT huyện - UBND xã Duy Sơn - Hội đồng Chư tộc Ngũ xã Trà Kiệu tổ chức buổi tọa đàm nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, các đại biểu tham dự tọa đàm nhằm đóng góp tư tưởng chủ đề, ý tưởng, bố cục nội dung để xây dựng ấn phẩm “Đất và Người Ngũ xã Trà Kiệu”.
Quy cách ấn phẩm “Đất và Người Ngũ xã Trà Kiệu”, 400 trang, khổ 16 x 24, dự kiến ấn hành cuối năm 2024.
Chương trình toạ đàm sẽ thảo luận 02 nhóm việc chính. Bao gồm:
1. Địa chí Ngũ xã Trà Kiệu, xưa và nay: Những vấn đề cần làm rõ thêm.
2. Phần “Đất”, dự kiến chiếm 50% dung lượng ấn phẩm: Chúng ta sẽ viết, in những gì? Phần “Người”, dự kiến 30% dung lượng ấn phẩm: Chọn những nhân vật tiêu biểu nào? Vì sao chọn? Phần còn lại gồm nhóm bài tự cảm và Phụ lục về các dòng tộc 20% dung lượng?.
Mục đích của buổi toạ đàm nhằm: Góp phần phát huy truyền thống Văn hoá làng xã theo tinh thần Nghị quyết Trung ương V, khoá 8, ngày 16/7/1998, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021.
- Kết nối chuổi các hoạt động kỷ niệm 420 năm Danh xưng Duy Xuyên (1604-2024).
- Tiếp thu các ý kiến (viết hoặc nói) của các nhà nghiên cứu về “Đất và Người Ngũ xã Trà Kiệu” trong tiến trình lịch sử từ ngày hình thành Trà Kiệu xã (năm 1471) đến nay. Qua đó có thêm các tài liệu, thông tin tin cậy để xây dựng sách Lược sử Ngũ xã Trà Kiệu.