Ban đầu xuất phát điểm từ ngành dịch vụ tang lễ trọn gói của dịch vụ mai táng Thiện Tiến, cần thêm nguồn nguyên liệu sạch và tinh khiết để tẩm liệm. Năm 2023 vợ chồng anh Tiến, chị Dung bắt đầu thu mua đài sen đã bóc hạt của các hộ nông dân trồng sen trên địa bàn xã để làm nguyên liệu. Đây là một mô hình kinh tế rất hay, vừa tăng thu nhập cho bà con, vừa góp phần lớn vào bảo vệ môi trường. Khi đến tận xưởng sản xuất (Đội 5 thôn Phú Nham Tây), chúng tôi vô cùng choáng ngợp trước quy mô và sự đầu tư cho mô hình của vợ chồng anh Tiến. Anh chị bắt đầu thu gom từ vụ mùa sen năm 2023, ước tính hơn 20 tấn đài sen khô. Không chỉ thu mua của nông dân Duy Sơn, bà con trồng sen các xã lân cận như Duy Trung, Duy Trinh hay Duy Thành cũng lập đầu mối thu gom để bán cho cơ sở. Xưởng sản xuất nằm trên đồi cao có diện tích 400 mét vuông. Với vốn đầu tư ban đầu hơn 200 triệu tiền mặt bằng, vật liệu xây dựng. Máy móc để sản xuất gồm máy nghiền, máy trộn, máy đóng gói … với tổng tiền đầu tư gần 50 triệu. Quy trình từ đài sen thành bột tẩm niệm gồm nghiền nát đài sen khô, pha với nguyên liệu sạch như bột quế bột trầm tùy loại, sau đó đóng gói. Trong quá trình vừa làm vừa nghiên cứu, anh chị đã không ít lần phải đổ bỏ, để cho ra sản phẩm chất lượng, ưng ý nhất. Về Tên Gọi Phước Sanh Nói về nguyên nhân đặt tên sản phẩm là Phước Sanh, chị Dung bộc bạch: Phước có nghĩa là làm phước, tạo phước. Sanh trong nghĩa vãng sanh. Trong đạo Phật, người mới mất thường được cầu nguyện vãng sanh cực lạc, và thường gắn với hình tượng hoa sen. Nguyên liệu tẩm liệm được làm từ đài sen khô, nên chị đặt tên Phước Sanh để gợi lên trọn vẹn ý nghĩa cũng như mục đích của nó. Giá trị kinh tế và ý nghĩa thiết thực trong bảo vệ môi trường. 20 tấn đài sen khô, Cơ sở Phước Sanh thu mua tại hộ dân với giá 2.000 đồng/kg. Trước đây, bà con bóc hạt sen bán, còn lại đài sen đổ ra vệ đường, bờ mương… Đài sen rất lâu mới hoai mục nên mất mỹ quan và ô nhiễm cho môi trường. Nhiều khi bà con dồn lại để đốt nhưng gặp trời mưa không đốt được, khói un lên mấy ngày khiến không khí ô nhiễm. Việc thu mua đài sen của vợ chồng anh Tiến đã góp phần lớn trong việc tận dụng giá trị của cây sen cho bà con nông dân, hạn chế các phần lãng phí; đồng thời góp sức không nhỏ trong bảo vệ môi trường. Việc tận dụng nguyên liệu tự nhiên, sản phẩm hay phế phẩm nông nghiệp để phát triển kinh tế là một hướng đi mới được nhà nước khuyến khích trong thời gian gần đây, đặc biệt trong đối tượng thanh niên – những người đang có khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp. Cơ sở sản xuất nguyên liệu tẩm liệm Phước Sanh của anh Tiến chị Dung là một ví dụ điển hình tại Duy Sơn nói riêng và huyện Duy Xuyên nói chung. Chúc cơ sở Phước Sanh ngày càng mở rộng để góp phần phát triển kinh tế địa phương, thúc đẩy nhu cầu khởi nghiệp của thanh niên ngày càng lan tỏa và mạnh mẽ hơn nữa.