Nguyễn Phúc Kỳ là con trai trưởng của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên và Hoàng hậu Mạc Thị Giai. Ông sinh tại dinh Trà Bát (Quảng Trị) dưới thời chúa Nguyễn Hoàng. Khi cha ông Nguyễn Phúc Nguyên còn làm Trấn thủ Quảng Nam, ông được ông nội là chúa Tiên Nguyễn Hoàng giao chức Chưởng cơ, chỉ huy đạo quân bảo vệ dinh trấn Thanh Chiêm. Năm 1614, khi Nguyễn Phúc Nguyên thay Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Kỳ được cử làm Trấn thủ Quảng Nam thay cha. Nguyễn Phúc Kỳ là người văn võ toàn tài. Ông là vị Tổng trấn thực hiện một chế độ mở cửa rộng rãi cho Quảng Nam. Sau khi qua đời, Nguyễn Phúc Kỳ được an táng ở làng Thanh Quýt (thị xã Điện Bàn). Lăng mộ của ông tồn tại hơn 350 năm tại đây. Năm 2000 mộ Nguyễn Phúc Kỳ được con cháu Nguyễn Phước tộc Quảng Nam - Đà Nẵng cải táng về xã Duy Sơn, tọa lạc trên một ngọn đồi có cây cối rợp bóng xanh, khu mộ có diện tích gần 100m2.
Còn di tích tháp Chăm Dương Bi nằm cạnh suối Đập Cây Da tại thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn. Đây là khu đền Hindu khá lớn thuộc nền văn minh Champa với hai lớp tường bao, trên tường bao bên trong có các đền thờ phụ. Ngôi đền thờ chính này có hình dạng đặc trưng của một ngôi đền Hindu Champa mà người Chăm thường gọi là kalan. Một ngôi đền có mặt bằng vuông, vật liệu gạch kết hợp đá cát, kích thước dài 12m x ngang 12m. Đền xoay về hướng Đông. Ngôi đền chỉ còn lại phần chân với tường cao 1m62 tính từ lòng đền, trong lòng đền cho thấy nền được lát đá cát, không còn dấu vết của các bệ thờ và tượng thờ Hindu. Những gì đã xuất lộ và kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy đây đã từng là khu đền Hindu tiêu biểu thuộc nền văn minh Champa.
Tại buổi lễ, ông Văn Bá Sơn – Phó giám đốc sở văn hóa, thể thao và du lịch trao bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh lăng mộ Nguyễn Phúc Kỳ và tháp Chăm Dương Bi cho đại diện lãnh đạo xã Duy Sơn và gia tộc Nguyễn Phước./.